Tại sao Elon Musk mua Twitter
Elon Musk quyết tâm thâu tóm Twitter là nhằm thúc đẩy tự do ngôn luận trên mạng xã hội, nhưng mục tiêu này khiến giới chuyên gia lo ngại.
Thông tin Musk muốn kiểm soát Twitter đã xuất hiện từ cuối tháng 3 khi ông tìm cách mua lại cổ phiếu công ty này càng nhiều càng tốt. Đầu tháng 4, hồ sơ gửi lên Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho thấy, tỷ phú Mỹ đã sở hữu 9,1% cổ phần mạng xã hội.
Giữa tháng này, ông tuyên bố đã "đưa ra lời đề nghị tốt nhất và cuối cùng" để mua Twitter. Ông cũng khẳng định đã chuẩn bị sẵn "Kế hoạch B" nếu thất bại, đồng thời tìm cách gặp riêng một số cổ đông lớn của Twitter để thuyết phục họ về giá thầu của mình.
Nỗ lực của Musk khiến nhiều người đặt câu hỏi vì sao một người giàu nhất thế giới, sở hữu hàng loạt công ty lớn lại tìm cách thâu tóm một mạng xã hội.
"Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải có một nền tảng toàn diện cho quyền tự do ngôn luận", Musk giải thích tại hội nghị TED diễn ra hồi giữa tháng. "Twitter đang trở thành một quảng trường kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận và là nơi mọi người có thể tự do thể hiện quan điểm trong giới hạn của luật pháp".
Tỷ phú Mỹ cho biết, quyết định mua lại Twitter của ông không phải để kiếm tiền. Ông muốn nắm quyền kiểm soát để có thể biến thuật toán Twitter thành mã nguồn mở và tăng tính minh bạch với người dùng. Ông cũng muốn chính sách quản lý nội dung mềm mỏng hơn, hạn chế những lệnh cấm sử dụng vô thời hạn và chuyển sang có thời hạn ngắn.
Musk không đơn độc trong việc kêu gọi các nền tảng công nghệ minh bạch hơn với các thuật toán của họ. Sau vụ bê bối của Facebook liên quan tới cựu quản lý Frances Haugen, cách các thuật toán có thể thúc đẩy sự chia rẽ và định hướng người dùng đến những nội dung tiêu cực đã gây nên nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Các chuyên gia lo ngại con người đang ngày bị thống trị nhiều hơn bởi các thuật toán.
Nhận xét
Đăng nhận xét